11 Th9 2018
thang may khong gian

Nếu thành công, đây quả là một bước ngoặt lớn đối với khoa học vũ trụ, và tương lai du lịch không gian của nhân loại.

Lên vũ trụ thì ai cũng nghĩ là phải đi tàu vũ trụ. Nhưng đã bao giờ bạn tưởng tượng được mình sẽ lên vũ trụ bằng thang máy chưa? Lần đầu tiên trong lịch sử, khoa học quyết định chế tạo ra một thứ như vậy, và dự báo rằng sẽ trở thành một cuộc cách mạng nếu như thành công.

Cụ thể, nhóm chuyên gia từ ĐH Shizuoka (Nhật Bản) sẽ tiến hành bằng cách phóng phiên bản thu nhỏ của chiếc thang máy lên vệ tinh để thử nghiệm công nghệ mới. Theo dự tính, đợt thử nghiệm đầu tiên sẽ diễn ra ngay trong tháng 9/2018.

Để giảm thiểu chi phí, các chuyên gia sẽ gửi thí nghiệm của mình theo tên lửa H-2B sắp được Cơ quan không gian Nhật Bản phóng lên từ đảo Tanegashima trong tuần tới. Gọi là phiên bản thu nhỏ, nhưng đây thực chất chỉ là một cái hộp có kích cỡ 6x3x3 (cm).

thang may khong gian 3

Thí nghiệm sẽ thành công nếu một đoạn cáp dài 10m có thể mang lên vũ trụ, kết nối được 2 vệ tinh mini đang lơ lửng, và chiếc hộp có khả năng dịch chuyển qua lại trên đoạn cáp ấy để tiếp cận cả 2. Chuyển động của chiếc thang máy tải khách này sẽ được theo dõi bằng 2 camera gắn trong vệ tinh.

“Đây sẽ là thí nghiệm đầu tiên trong lịch sử, để kiểm tra khả năng dịch chuyển của thang máy trong vũ trụ” – chuyên gia từ ĐH Shizuoka cho biết.

Dĩ nhiên, ngay cả khi thí nghiệm thành công thì vẫn còn một chặng đường rất xa để biến nó thành sự thật. Đơn giản là vì chúng ta sẽ phải xây dựng một chiếc thang máy cao bậc nhất thế giới, vươn ra ngoài vũ trụ – điều vốn chỉ được thấy trong tưởng tượng.

Ý tưởng xây dựng chiếc thang máy “một bước lên vũ trụ” được đưa ra vào năm 1895 bởi nhà khoa học người Nga Konstantin Tsiolkovsky, sau khi ông được đến thăm tháp Eiffel của Pháp. Ông đã rất muốn xây dựng nó, nhưng rào cản công nghệ đã khiến ý tưởng ấy mãi chỉ nằm trên giấy.

Còn hiện tại, công ty xây dựng Obayashi của Nhật Bản đã hợp tác với ĐH Shizuoka cho dự án này, nhằm tìm ra phương án khả thi nhất để đưa thang máy vũ trụ vào hoạt động vào năm 2050.

Theo dự tính, công ty sẽ sử dụng công nghệ ống nano carbon – một dạng vật liệu mạnh và bền hơn thép gấp 20 lần – để xây dựng trục nâng kéo dài 96.000km trên Trái đất.

Họ kỳ vọng rằng đây sẽ là giải pháp dịch chuyển mới của con người đến các trạm vũ trụ kế cận trạm hiện tại là ISS, thậm chí là đưa chúng ta đến tận… sao Hỏa.

thang may khong gian 4

Năm 2014, công ty đã từng đưa ra báo cáo rằng các dự án xây dựng như vậy là hoàn toàn khả thi về mặt công nghệ. Dự tính sẽ phải mất 20 năm để hoàn tất phần cáp nối siêu dài từ một điểm cố định trên Trái đất.

2 năm đầu sẽ dựng một đoạn cáp nặng 20 tấn, sau đó tăng dần khoảng 510 lần thành 7.000 tấn trong vòng 18 năm kế tiếp. Các thiết bị lắp đặt trong vũ trụ chỉ cần vận chuyển trong vòng 1 năm.

Cũng theo kế hoạch, thì các chuyên gia kỳ vọng rằng thang máy có thể chở được 30 người mỗi lần, với vận tốc 200km/h trong 1 tuần, với các trạm dừng chân cách nhau 36.000km.

Du khách có thể ở lại trạm nghỉ này, nhưng các nhà khoa học có thể đi tiếp đến điểm cuối để thực nghiệm nghiên cứu của mình.

Chẳng rõ dự án có thành thực không, nhưng nó được kỳ vọng sẽ trở thành một bước ngoặt lớn đối với ngành hàng không vũ trụ thế giới.